Tiêu chuẩn quốc tế
Có rất nhiều tổ chức quốc tế ban hành các quy định về chất lượng điện như ANSI, CIGRE… nhưng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng điện phổ biến nhất hiện nay đến từ Hội Kỹ sư Điện và Điện tử (IEEE) hay Uỷ ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC) ban hành: IEEE 1159 quy định về việc giám sát chất lượng điện, IEEE 519 quy định về việc đánh giá, theo dõi sóng hài trong hệ thống điện với IEC 61000 quy định về tiêu chuẩn chất lượng điện dành cho các sự cố mất điện, nháy điện, quá áp, thấp áp, sóng hài làm cơ sở cho các nhà cung ứng điện và sản xuất thiết bị điện tuân theo.
Bên cạnh đó còn có 1 số tiêu chuẩn hướng đến người sử dụng thiết bị như đường cong ITIC (ITIC curve) do Hội đồng công nghiệp công nghệ thông tin (trước đây là CBMA – Hiệp hội các nhà sản xuất máy tính) quy định. Đây được xem tiêu chuẩn đầu tiên của ngành công nghệ thông tin quy định về giới hạn làm việc chấp nhận được của các thiết bị điện tử đối với các nguồn cung cấp điện khác nhau.
Hoặc Hiệp hội các nhà sản xuất bán dẫn quốc tế (SEMI) cũng đưa ra bộ tiêu chuẩn riêng của ngành về chất lượng điện như tiêu chuẩn SEMI F47, SEMI F42 quy định về giới hạn sụt áp mà thiết bị có thể chịu đựng hay như quân đội Mỹ cũng tự xây dựng các bộ tiêu chuẩn riêng cho các ứng dụng khác nhau như: MIL-STD-xxxx quy định về việc thiết kế, thử nghiệm các hệ thống thiết bị điện tử đối với nguồn cấp điện cho tàu, máy bay hay MIL-HDBK-411B dành cho môi trường làm việc đối với các thiết bị nhạy cảm.
Thậm chí một số nhà sản xuất lớn cũng tự xây dựng thêm các tiêu chuẩn phù hợp với đặc thù của mình để tối ưu hiệu quả hoạt động và chi phí đầu tư như Samsung với Samsung Power Vacxin, Intel với PSLI…
Tiêu chuẩn Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn riêng về vấn đề chất lượng điện nên để đảm bảo chất lượng điện trong vận hành hệ thống điện bao gồm phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, Luật điện lực sửa đổi Số 24/2012/QH13 có quy định tại Điều 26. Bảo đảm chất lượng điện năng; nội dung chi tiết được hướng dẫn tại Nghị định 137/2013/NĐ-CP và Nghị định 10/VBHN-BCT quy định chi tiết thi hành một số điều của luật điện lực và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật điện lực, tại Mục 1 – Điều 15. Chất lượng điện năng và Điều 4, 5 – Thông tư 39/2015/TT-BCT có đưa ra một số quy định cơ bản độ lệch điện áp, tần số
Những quy định này giúp các bên tham gia quá trình phát điện, truyền tải và phân phối cũng như tiêu thụ thống nhất những nguyên tắc cơ bản khi thực hiện việc phối hợp hay thỏa thuận kết nối vào hệ thống.
Tuy nhiên do đây là thông tư hướng dẫn và vẫn có những khoảng cách nhất định với thực tế sử dụng nên thực tế đã xảy ra tình trạng tranh cãi thậm chí kiện tụng ở một số khách hàng mua điện với bên cung ứng điện, đặc biệt trong các nhà máy công nghiệp nơi sử dụng các thiết bị có độ nhạy cảm cao và thường xuyên đối mặt với các dao động điện trong ngắn hạn mà thông tư 39 chưa đề cập hết. Vì vậy đòi hỏi về việc xây dựng một bộ tiêu chuẩn riêng cho chất lượng điện phù hợp theo đặc thù lưới điện Việt nam như một số quốc gia trong khu vực Thái Lan, Singapore, Malaysia đã làm là rất cần thiết để đảm bảo hài hoà quyền lợi và trách nhiệm của các bên cũng như sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ.